TÓM TẮT ĐỀ ÁN Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa năm 2025
TÓM TẮT ĐỀ ÁN
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa năm 2025
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Sự phân chia đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dựa trên những tiêu chí, đặc trưng nhất định về địa hình, địa lý tự nhiên, các điều kiện kinh tế - xã hội, yếu tố dân cư, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng cần thiết phải mở rộng và đảm bảo tính thống nhất về không gian địa lý, sự liên thông các nguồn lực, bố trí và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển. Cùng với việc xây dựng nền quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả với sự tham gia của nhiều chủ thể dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi vai trò quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tạo khả năng kết nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, khoảng cách không gian giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp không còn nhiều ý nghĩa về địa lý và ranh giới địa giới giữa các ĐVHC.
Do đó, tổ chức hợp lý, hướng đến ổn định lâu dài của ĐVHC các cấp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, vùng nói riêng và của cả nước nói chung.
2. Chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có quá trình hình thành, phát triển gắn với quá trình tổ chức ĐVHC 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) ổn định xuyên suốt từ sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến nay, bảo đảm sự kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của mỗi ĐVHC. Đặc biệt, trong bối cảnh trước đây, khi điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế thì việc tổ chức chính quyền địa phương theo 03 cấp ĐVHC và xu hướng chia tách ĐVHC để thuận lợi cho công tác quản lý dân cư, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng ĐVHC, tạo điều kiện cho vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa được ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển, đồng thời bảo đảm khả năng kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên đối với cơ quan nhà nước cấp dưới.
Tuy nhiên, việc chia nhỏ ĐVHC và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 03 cấp đã phát sinh nhiều bất cập, làm phân tán các nguồn lực, không phát huy được hết lợi thế, tiềm năng phát triển của các địa phương; làm tăng số lượng ĐVHC các cấp, theo đó tăng số lượng các cơ quan, tổ chức của đảng, đoàn thể, chính quyền, tăng số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở địa phương, dẫn đến tổ chức bộ máy chính quyền địa phương nói riêng, hệ thống chính trị các cấp nói chung cồng kềnh, tầng nấc, lãng phí ngân sách nhà nước và nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương có sự chồng lấn, trùng lặp giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (có nhiệm vụ 03 cấp đều thực hiện, có nhiệm vụ cấp tỉnh và cấp huyện; cấp huyện và cấp xã cùng thực hiện). Chính quyền địa phương ở cấp huyện chủ yếu giữ vai trò trung gian trong thực thi chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện từ cấp tỉnh xuống cấp xã.
3. Trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số thì nhiều hoạt động hành chính truyền thống đã được số hoá và triển khai thực hiện trên môi trường mạng. Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giúp giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào ranh giới địa giới hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Đồng thời, việc đẩy mạnh thực hiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính giúp đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện công việc của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tăng năng suất và hiệu quả công việc. Nhiều công việc quản lý trung gian được thay thế bằng hệ thống phần mềm điện tử, giúp vận hành hiệu quả hơn mà không cần nhiều tổ chức hành chính và biên chế.
4. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025, Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 và Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đã đề ra mục tiêu: (1) Sắp xếp ĐVHC nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; (2) Nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, quy định thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quy định thành lập, giải thể, nhập, chia ĐVHC, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp xã để bảo đảm có số lượng, quy mô phù hợp, cả nước giảm khoảng 60% đến 70% số lượng ĐVHC cấp xã, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Kết luận số 3546-KL/TU ngày 19/4/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ trương sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh từ 547 xã, phường, thị trấn xuống còn 166 xã, phường, giảm 381 đơn vị (s69,65%).
Như vậy, căn cứ các quy định, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; UBND tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Thanh Hóa năm 2025 là cần thiết.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Căn cứ chính trị
1.1. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiêp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội Nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
1.2. Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025; Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp.
1.3. Kết luận số 3546-KL/TU ngày 19/4/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Thanh Hóa.
1.4. Quyết định số 3945-QĐ/TU ngày 24/03/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp huyện, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
2. Căn cứ pháp lý
2.1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
2.2. Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp ĐVHC năm 2025.
2.3. Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
2.4. Văn bản số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp về định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
2.5. Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 16/4/2025 của UBND tỉnh thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã của tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 16/4/2025 của UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã.
III. PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐVHC CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ THANH HÓA
Sắp xếp 46 phường, xã và một phần địa giới hành chính (ĐGHC) của phường Quảng Cát và 02 xã: Thiệu Giao, Tân Châu thuộc huyện Thiệu Hóa thành 07 phường:
1. Thành lập phường Hạc Thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Trường Thi, Phú Sơn, Điện Biên, Lam Sơn, Ba Đình, Ngọc Trạo, Đông Sơn, Đông Hương, Đông Hải và điều chỉnh diện tích tự nhiên là 1,85km2, quy mô dân số là 14.892 người của phường Đông Thọ (khu vực từ đường Lý Thiên Bảo đến sông Hạc về phía Nam) và điều chỉnh diện tích tự nhiên là 3,64km2, quy mô dân số là 30.866 người của phường Đông Vệ (khu vực từ đường Võ Nguyên Giáp về phía Bắc).
a)Sau khi thành lập, phường Hạc Thành có diện tích tự nhiên là 23,07 km2 và quy mô dân số là 192.609 người.
b) Nơi đặt trụ sở của phường Hạc Thành: Định hướng là trụ sở UBND tỉnh.
2. Thành lập phường Quảng Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Quảng Hưng, Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thành, Quảng Đông, Quảng Thịnh và điều chỉnh diện tích tự nhiên là 4,98km2, quy mô dân số là 7.742 người của phường Quảng Cát (khu vực từ đường Nguyễn Doãn Chấp về phía Tây) và điều chỉnh diện tích tự nhiên là 1,12km2, quy mô dân số là 3.429 người của phường Đông Vệ (khu vực từ đường Võ Nguyên Giáp về phía Nam).
a) Sau khi thành lập, phường Quảng Phúcó diện tích tự nhiên là 40,77 km2, quy mô dân số là 77.654 người.
b) Nơi đặt trụ sở của phường Quảng Phú: Trụ sở phường Quảng Hưng (đảng ủy, đoàn thể) và trụ sở phường Quảng Phú (chính quyền).
3. Thành lập phường Đông Quang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã, phường: Đông Vinh, Đông Quang, Đông Yên, Đông Văn, Đông Phú, Đông Nam, An Hưng, Quảng Thắng.
a) Sau khi thành lập,phường Đông Quang có diện tích tự nhiên là 49,04 km2, quy mô dân số là 62.318 người.
b) Nơi đặt trụ sở của phường Đông Quang: Trụ sở phường Đông Phú (đảng ủy, đoàn thể) và trụ sở xã Đông Văn (chính quyền).
4. Thành lập phường Đông Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã, phường: Đông Hòa, Đông Minh, Đông Hoàng, Đông Khê, Đông Ninh, Rừng Thông, Đông Thịnh, Đông Tân.
a) Sau khi thành lập,phường Đông Sơn có diện tích tự nhiên là 41,72 km2, quy mô dân số là 58.950 người.
b) Nơi đặt trụ sở của phường Đông Sơn: Trụ sở Huyện ủy Đông Sơn (đảng ủy, đoàn thể) và trụ sở UBND huyện Đông Sơn (chính quyền).
5. Thành lập phường Đông Tiến trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã, phường: Đông Tiến, Đông Thanh, Thiệu Vân, Thiệu Khánh, Đông Lĩnh và các xã: Tân Châu, Thiệu Giao thuộc huyện Thiệu Hóa.
a) Sau khi thành lập, Phường Đông Tiến có diện tích tự nhiên là 41,97 km2, quy mô dân số là 57.844 người.
b) Nơi đặt trụ sở của phường Đông Tiến: Trụ sở phường Đông Tiến (đảng ủy, đoàn thể) và trụ sở phường Đông Lĩnh (chính quyền).
6. Thành lập phường Hàm Rồng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Thiệu Dương, Đông Cương, Hàm Rồng, Nam Ngạn và điều chỉnh diện tích tự nhiên là 1,75km2, quy mô dân số là 14.892 người của phường Đông Thọ (khu vực từ đường Lý Thiên Bảo đến sông Hạc về phía Bắc).
a) Sau khi thành lập,phường Hàm Rồng có diện tích tự nhiên là 20,89 km2, quy mô dân số là 63.166 người.
b) Nơi đặt trụ sở của phường Hàm Rồng: Trụ sở phường Nam Ngạn (đảng ủy, đoàn thể) và trụ sở phường Đông Cương (chính quyền).
7. Thành lập phường Nguyệt Viên trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các phường: Tào Xuyên, Long Anh, Hoằng Quang, Hoằng Đại.
a) Sau khi thành lập phường Nguyệt Viên có diện tích tự nhiên là 22,31 km2, quy mô dân số là 34.399 người.
b) Nơi đặt trụ sở của phường Nguyệt Viên: Trụ sở phường Long Anh (đảng ủy, đoàn thể) và trụ sở phường Hoằng Quang (chính quyền).